“Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp Thái Bình – Bangladesh” là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Bangladesh.
Chiều ngày 5/8, gần 200 doanh nghiệp của Bangladesh và tỉnh Thái Bình đã tham gia Hội thảo kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức.
Các đại biểu dự Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Bình và doanh nghiệp Bangladesh.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người Thái Bình đến với nước bạn và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, kết nối giao thương với các doanh nghiệp phía Bangladesh. Từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại và tăng cường công tác trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa Việt Nam và Bangladesh nói chung, doanh nghiệp Thái Bình với doanh nghiệp Bangladesh nói riêng.Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại diễn đàn.
“Tỉnh Thái Bình sẵn sàng chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt với cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, thủ tục hải quan, cũng như bảo đảm các điều kiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh được ổn định, thuận lợi nhất, sẵn sàng lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư, đáp ứng mọi điều kiện thiết yếu của các tổ chức, cá nhân”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết.
Nhấn mạnh một số lĩnh vực mà Bangladesh và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau để tăng cường thương mại song phương, ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Dhaka (DDCI) khẳng định: hai nước cần đẩy nhanh nghiên cứu khả thi để tìm hiểu khả năng ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA); cần sớm bắt đầu đường bay thẳng giữa Dhaka và Việt Nam để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch; các hợp tác thương mại mang lại nhiều cơ hội lớn như nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trang trại, chế biến nông sản giá trị gia tăng, vật liệu xây dựng, da, giày dép,…; Bangladesh có thể học hỏi từ Việt Nam để nâng cao năng lực sản xuất và năng suất công nghiệp, đồng thời chia sẻ với Việt Nam bài học kinh nghiệm trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nông thôn; cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là lực lượng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế của hai nước.
Cũng tại diễn đàn, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) và ông Lutfor Rahman, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam đã gợi mở nhiều cơ hội liên kết, hợp tác, phát triển kinh doanh, giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phát biểu tại diễn đàn.
Thay mặt doanh nghiệp địa phương, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh với 10.000 doanh nghiệp đa ngành nghề như sợi, dệt, may, vật liệu xây dựng, gốm sứ thủy tinh, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, bất động sản, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, đồ uống… hoạt động và phát triển mạnh mẽ, năng động, đã chủ động đầu tư trang bị, máy móc công nghệ hiện đại vào các dây chuyền sản xuất. Nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, quốc tế đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường Bangladesh.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng như: gạo Niêu vàng, đồ uống Đại Việt, bánh kẹo Bảo Hưng, dệt sợi Damsan, dệt sợi Hương Sen Comfor, dệt may Thăng Long, sợi Trà lý, nước khoáng Tiền Hải, pin năng lượng mặt trời AD GREEN, gốm sứ Hảo Cảnh, gạch men MiKaDo, gốm sứ Long Hầu… đã và đang được người tiêu dùng trong nước và quốc tế yêu thích, tin dùng đánh giá cao.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình đã xuất khẩu sang Bangladesh gần 50 triệu USD (riêng ngành sợi dệt đạt gần 30 triệu USD). Các doanh nghiệp của Thái Bình cũng đã nhập khẩu từ Bangladesh các loại hàng hóa như dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt, da, giày, thuốc trị giá khoảng 10 triệu USD.
Với những kết quả mà hai bên đã đạt được trong những năm qua, thông qua diễn đàn, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn các cấp, các cơ quan ban, ngành ở trung ương và địa phương tiếp tục tạo điều kiện kết nối về mặt pháp lý và chia sẻ thông tin để các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, kết nối giao thương.
Hai nước sớm có Hiệp định Thương mại, có cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hợp tác của đôi bên, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 tỷ USD/ năm trở lên; sớm mở đường bay thẳng Việt Nam – Bangladesh để doanh nghiệp, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giao thương, giao lưu, du lịch.
Tại diễn đàn, Ban tổ chức đã dành thời gian để doanh nghiệp hai nước trao đổi, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề thanh toán của ngân hàng Bangladesh chưa đáp ứng với thông lệ quốc tế. Đồng thời sắp xếp chương trình gặp gỡ kết nối các nhóm ngành kinh doanh giống nhau để mở rộng giao lưu, tăng cường hợp tác và cụ thể hóa những đề xuất giữa doanh nghiệp Thái Bình và doanh nghiệp Bangladesh.
Theo Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình/Báo Đầu tư