Hiệp hội DNNVV Việt Nam cùng với Bộ Tư pháp thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ DNNVV

(VINASME) – Sáng 01/8/2024 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã làm việc với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tham dự buổi làm việc, về phía Hiệp hội DNNVV Việt Nam có đồng chí Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký; đồng chí Lê Anh Văn – Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (đơn vị trực thuộc) và đồng chí Trần Văn Hiển – Phó trưởng Ban Đào tạo và Hội viên.

Về phía Cục Phổ biến giao dục pháp luật (Bộ Tư pháp) có bà Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện VINASME đã giới thiệu tổng quan một số hoạt động nổi bật của VINASME trong thời gian qua và tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2024, cụ thể đến hết tháng 5/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98%. Phân loại theo lĩnh vực nghề nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ chiếm khoảng 66,8%, doanh nghiệp nông lâm thủy sản khoảng 1,4%, và doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp khoảng 31,8%. Hiện VINASME có khoảng 77.000 hội viên và để thu hút thêm doanh nghiệp hội viên, các Hiệp hội cần nâng cao vai trò trong công tác hỗ trợ pháp lý bằng cách tuyên truyền chính sách, pháp luật, kết nối nguồn lực hỗ trợ, và tham gia góp ý cải cách thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp hiện đang cần hỗ trợ pháp lý từ Nhà nước và các Hiệp hội, đặc biệt là về giải quyết vướng mắc pháp lý, nâng cao năng lực pháp luật cho cán bộ pháp chế, giải quyết tranh chấp, đàm phán hợp đồng, và tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật. VINASME đã thiết lập mạng lưới tư vấn viên tại hơn 30 tỉnh thành, với hơn 3.000 vụ việc pháp lý được tư vấn và giải đáp.

Tại buổi làm việc, VINASME đưa ra một số kiến nghị, bao gồm sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP để xác định nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý có trọng tâm, tìm kiếm hình thức hỗ trợ mới phù hợp với chuyển đổi số, và nhân rộng các mô hình hỗ trợ hiệu quả như cafe doanh nhân. Đồng thời, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hỗ trợ pháp lý, thành lập đơn vị chuyên trách và kiện toàn các vị trí hỗ trợ pháp lý tại cấp cơ sở.

Trao đổi với VINASME, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đề nghị trong năm 2024 và các năm tới, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội trong việc triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý, bao gồm góp ý sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật”, và triển khai các hoạt động trong Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng quan trọng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ, vì pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về công tác truyền thông, hai bên triển khai các chuyên mục trên trang thông tin điện tử Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của Bộ Tư pháp, trong đó Hiệp hội chủ trì một số chuyên mục. VINASME chủ trì biên soạn tài liệu tổng hợp các vụ việc, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, từ đó phối hợp đưa ra quy trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hai bên cùng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động nguồn nhân lực tham gia công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đoàn làm việc của Bộ Tư pháp chụp ảnh lưu niệm cùng VINASMEĐoàn làm việc của Bộ Tư pháp chụp ảnh lưu niệm cùng VINASME.

Tổng hợp