– Năm 2012 dẫu vô vàn khó khăn nhưng theo Báo cáo của Chính phủ cũng đã có những điểm sáng nhất định. Cá nhân đại biểu đánh giá như thế nào về điều hành kinh tế vĩ mô năm nay của Chính phủ?
– Có 3 điểm sáng cần phải ghi nhận là: chúng ta đã tập trung kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp mạnh và khá đồng bộ dù là giải pháp này cũng để lại một số hậu quả; có sự linh hoạt trong điều hành, nhất là khi kiểm điểm 6 tháng có những vấn đề mới, chúng ta đã nới lỏng một số chính sách và kết hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tháo gỡ các vướng mắc của nền KT-XH; bắt đầu triển khai đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực theo hướng thiết lập sự ổn định vĩ mô ngày càng vững chắc hơn như vấn đề tài chính, ngân hàng, thương mại, đầu tư. Những kết quả này đã giúp chúng ta giữ được trạng thái ổn định nền kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn. Chúng ta đã được các tổ chức quốc tế, nhất là các tổ chức tài chính đánh giá đi đúng hướng và đang khuyến khích chúng ta làm nhanh, làm mạnh và làm kiên quyết hơn. Tuy nhiên, từ những tồn tại nêu trong báo cáo của Chính phủ, tôi cho rằng, hạn chế trong điều hành vĩ mô năm này là chưa đánh giá và chưa kiểm soát được tình hình một cách chặt chẽ, kịp thời, sát đúng trên một số lĩnh vực với số liệu chưa tin cậy, thiếu thống nhất. Một số chính sách giải pháp còn có tính chất nửa vời, hay thay đổi, thiếu sự phối hợp thống nhất để bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp. trong bối cảnh khó khăn, những khuyết điểm này đã khiến chúng ta làm mất đi hoặc thiếu đi những động lực và ý chí phấn đấu.
– Vậy theo đại biểu, có thể khắc phục những khuyết điểm đó trong năm 2013 như thế nào?
– Các mục tiêu đề ra trong năm 2013 là rất nặng nề và khả năng thực thi rất khó. Nhưng nhìn vào hệ thống giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì còn mang tính định hướng nhiều, chưa thể hiện được khâu nào được chọn là khâu đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn và đi lên. Tôi đề nghị những tháng còn lại của năm 2012 và năm 2013 cần tập trung làm rõ và làm được 3 vấn đề:
Một là, tìm mọi cách để kiểm soát được tình hình, đánh giá thực trạng của vấn đề, nhất là những vấn đề đã được phát hiện, đã được nhận lỗi, đã được kiểm điểm qua các Kỳ họp của QH và các Nghị quyết của Trung ương Đảng vừa qua bằng các hệ thống tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, bằng các số liệu có địa chỉ cung cấp. Cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cung cấp số liệu, có trách nhiệm giải trình về những số liệu đã được công bố. Đồng thời, phải có chế tài xử lý nếu thông tin được cung cấp gây hậu quả và quy trách nhiệm cho những người cung cấp thông tin và địa chỉ cung cấp thông tin. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể đánh giá sát thực tình hình, kiểm soát tình hình thực tế và như vậy mới có thể đưa được những chính sách sát thực tế.
Hai là, phải công bố nhanh, chính xác và cụ thể những giải pháp mang tính tình thế đã được nêu ra trong Báo cáo của Chính phủ như: giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, cải cách thủ tục hành chính… để các chính sách này sớm đi vào thực tiễn, góp phần giải quyết dứt điểm các tồn tại, tắc nghẽn hiện nay của nền kinh tế. Đồng thời, phải công bố ngay lộ trình thích hợp với điều kiện cụ thể để thực hiện chủ trương đổi mới kinh tế, trong đó, đột phá vào khâu thể chế và giải quyết những vấn đề tồn tại trong điều hành quản lý, nhất là quản lý kinh tế, quản lý đời sống, quản lý xã hội.
Ba là, trên cơ sở những vấn đề đã được kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI cần giám sát việc sửa chữa các khuyết điểm trong điều hành, quản lý của các cấp, các ngành, từ đó góp phần tạo nên những yếu tố, những động lực mới cho năm 2013. Đây chính là yếu tố giúp tạo nên lòng tin, khôi phục động lực và ý chí phấn đấu của toàn dân và cộng đồng các doanh nghiệp.
– Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm tại Phiên thảo luận về tình hình KT-XH năm 2012, nhiệm vụ năm 2013 là xử lý nợ xấu như thế nào? Theo quan điểm của Đại biểu thì nên thế nào?
– Theo tôi, nợ xấu ngân hàng hiện có 4 địa chỉ đặc biệt quan trọng: thứ nhất là nợ đọng trong xây dựng cơ bản lên đến 100 nghìn tỷ đồng Nhà nước chưa thanh toán cho các doanh nghiệp; thứ hai là nợ xấu do các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa lên đến khoảng 7 nghìn tỷ đồng; thứ ba là nợ xấu do hoạt động cho vay chéo, cho vay sân sau của chính hệ thống ngân hàng và cuối cùng là nợ xấu do thiên tai dịch bệnh, do các nguyên nhân khách quan. Muốn giải quyết được nợ xấu thì trước hết phải căn cứ vào 4 địa chỉ này. Ví dụ, nợ đọng tài chính do Nhà nước chưa thanh toán cho doanh nghiệp thì Nhà nước cần có chính sách hoặc kế hoạch trả cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trả cho ngân hàng. Nợ đọng do tồn kho không tiêu thụ được thì phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho. Còn nợ xấu do ngân hàng cho vay chéo, cho vay sân sau thì phải kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các hoạt động này. Còn nợ xấu do khách quan, do bất khả kháng thì phải yêu cầu trích từ quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết. Một giải pháp nữa là xem xét việc thành lập công ty mua bán nợ với nhiệm vụ giải quyết tổng lực tất cả các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Có thể có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, huy động vốn của nước ngoài, huy động các ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động mua bán nợ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ phương án giải quyết nợ xấu bằng việc thành lập Công ty mua bán nợ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, muốn giải quyết nợ xấu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
– Liên quan đến giải pháp cho năm 2013, Đại biểu có cho rằng, nên tiếp tục giảm thuế và hạ lãi suất cho vay cho doanh nghiệp hay không?
– Theo tôi, giảm thuế và hạ lãi suất là động tác hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất lúc này. Những lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào có thể giảm được thì nên giảm ngay. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vẫn đang có khả năng phục hồi sản xuất và phát triển.
– Nhưng Bộ Tài chính báo cáo với QH rằng, nguồn lực tài chính hiện đang rất khó khăn, thưa Đại biểu?
– Tôi nghĩ khi Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về thuế thì có thể trước mắt sẽ giảm bớt nguồn thu ngân sách Nhà nước một chút nhưng tác động tích cực của việc giảm thuế là sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có động lực để tiếp tục phát triển. Khi đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước sẽ lớn hơn rất nhiều so với số tiền hụt thu của ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cần cân đối hết sức cụ thể các nguồn lực, xác định rõ lĩnh vực nào có thể tăng thu được, lĩnh vực nào có thể giảm thu; tính toán cả khả năng bù đắp trước mắt cũng như lâu dài cho ngân sách nhà nước để có thể có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả hơn.
– Xin cám ơn Đại biểu!