DNHN – Qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của bộ phận chiếm tới 97% số doanh nghiệp cả nước này, đáng nói hiệu quả lại chưa được như mong muốn. TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã đưa ra phân tích, lý giải về thực trạng trên.
“Mở đường” để doanh nghiệp nhỏ và vừa hấp thụ chính sách
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải thiện việc làm, duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng GDP của mỗi quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là “động lực tăng trưởng” và “xương sống” của nền kinh tế.
Trong 5 năm (tính từ 2017 tới nay), Việt Nam đã có thêm khoảng 400.000 doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế. Đáng nói, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ở mức 98%, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 3%.
Nhìn vào những con số trên, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá: Tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thay đổi thì có thể thấy về số lượng doanh nghiệp đã lớn gia tăng tương ứng từ khoảng 12.500 doanh nghiệp năm 2017 lên 22.500 doanh nghiệp năm 2022.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử năm 2017, Quốc Hội ban hành đạo luật giành riêng cho khu vực này, để thiết lập đồng bộ các hệ thống chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên theo TS. Tô Hoài Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn. Cụ thể, nhiều quy định mới, đột phá, tương đối toàn diện từ hỗ trợ cơ bản tới hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đã được quy định tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế vì cần có quy định hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan với nội dung hướng dẫn chi tiết hoặc do các hạn chế về năng lực thực thi chính sách, pháp luật của một số cơ quan nhà nước còn yếu kém.
TS Tô Hoài Nam đưa ra những “nút thắt” quan trọng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Thứ nhất, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
Thứ hai, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đa số các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi nguồn lực trung ương cũng chưa chủ động được để tập trung vào triển khai một số chính sách trọng tâm.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi hiện nay các quy định chủ yếu là hướng đến tính hình thức tổ chức, rất thiếu những quy định tác động vào sự thay đổi về quy mô, coi trọng sự phát triển số lượng hơn chất lượng cho nên giá trị thiết thực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh không trở thành động lực chính nên họ không muốn chuyển đổi.
Thứ tư, hạn chế từ chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể là: Quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đại diện của mình, tổ chức hỗ trợ, cơ quan quản lý nhà nước… dẫn đến việc triển khai, hấp phụ các các nguồn lực hỗ trợ hạn chế.
Nhìn rõ những hạn chế, TS. Tô Hoài Nam đã đưa ra đề xuất đối với cơ quan quản lý Nhà nước để “mở đường” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển trong thời gian tới.
Cụ thể, theo TS. Tô Hoài Nam, trước hết Chính phủ cần đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…
Cùng với đó, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời, cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi.
Cơ quan quản lý cũng cần nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả tiểu thương nghiệp) để hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của khách hàng, bạn hàng với xu hướng chuyển đổi từ giao dịch mua, bán hàng hoá trực tiếp sang online. Từ đó giúp họ tồn tại và phát triển, bởi phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ thoát nghèo gắn chặt với vấn đề an sinh xã hội.
Tiếp đó thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với giá gói thầu xây dựng dưới 5 tỉ đồng và mua sắm hàng hoá dịch vụ dưới 3 tỉ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Với những gói thầu đòi hỏi năng lực khoa học công nghệ quá cao hoặc có giá gói thầu xây dựng trên 5 tỉ đồng và mua sắm hàng hoá dịch vụ trên 3 tỉ đồng thì ưu tiên cho các nhà thầu có sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Theo TS. Tô Hoài Nam, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là giải pháp quan trọng. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang khẳng định tiềm năng phát triển theo hướng dựa vào yếu tố nâng cao năng suất thay cho yếu tố như khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.
Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa được các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ từ các viện, trường vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam thông qua khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả được nâng tầm ở năng lực sáng tạo và yếu tố khoa học công nghệ.
TS. Tô Hoài Nam cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi, đặc biệt là mặt bằng và thủ tục trình tự xét duyệt dự án nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: Đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hoá, vật liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất – kinh doanh. Đi kèm, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm hàng hoá cho các doanh nghiệp.
Cuối cùng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi.
Với chính sách, phải nhanh chóng kiện toàn và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật, đồng thời hết sức chú ý đến tính hấp dẫn, khuyến khích trong các quy định để thu hút được tối đa nguồn lực ngoài nhà nước.
Với khâu thực thi, các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ phải ưu tiên bố trí nguồn lực (chủ yếu là kinh phí tài chính) tối thiểu là gấp 10 lần năm 2021, để đạt được “ngưỡng quy mô” cần thiết mới đủ tạo tác động tích cực, lan toả nhanh chóng đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp cần chủ động
Nhìn vào khó khăn, có thể thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang trải qua thời gian bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo, như: Dệt may, da giày, điện, điện tử, máy móc, thiết bị…. Thời điểm chuỗi cung ứng đứt gãy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tìm các đầu mối cung ứng thay thế khiến cho hoạt động sản xuất – kinh doanh bị ngưng lại do không có khả năng dự trữ nguồn nguyên liệu.
Với kịch bản may mắn tìm được nguồn cung ứng mới, các doanh nghiệp này lại phải cạnh tranh với nhiều đối thủ về giá cả khiến chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá thành đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với tình trạng thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu bị giảm mạnh, dẫn đến suy giảm giá trị xuất khẩu.
Để duy trì và mở rộng kinh doanh, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải chủ động tìm cách tự khắc phục khó khăn.
Cụ thể, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần không ngừng hối thúc và chủ động đề nghị phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, kết nối thông tin, đào tạo tăng cường năng lực quản trị kinh doanh.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác và tự cường trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình để tạo thành khối gắn kết và đoàn kết để tạo nên quy mô đủ lớn về kinh tế từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Song song với hành động quyết liệt, khi cần các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải dám tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chính đáng Nhà nước đã ban hành.
DNHN