Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ chủ trì cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc gặp mặt được tổ chức để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thư gửi tới giới Công Thương Việt Nam (ngày 13/10/1945) nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới Công Thương đối với nền kinh tế quốc gia: “Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam (theo Quyết định số 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ngày 20/9/2004), với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay của nước ta (với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả), chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam – những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.
“Cổ nhân có câu: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt” để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Gợi ý một số nội dung thảo luận, Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng; đưa ra các góp ý để đã làm tốt rồi còn làm tốt hơn nữa, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rồi đóng góp nhiều hơn nữa, đặc biệt là góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.
Đồng chí Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Chia sẻ tại sự kiện, đồng chí Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ thời gian qua, đặc biệt là công tác “chăm lo đời sống và sức khỏe của doanh nghiệp”, tạo nên một khối đại đoàn kết mạnh mẽ, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua hết thử thách này đến khó khăn khác.
Theo ông Thân, năm 2024 chuẩn bị kết thúc và chúng ta bước sang năm cuối của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
“Ở góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5%. Bên cạnh đó, nước ta cũng có những mục tiêu xa hơn vào năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao”, ông Nguyễn Văn Thân cho biết.
Đối với sự tham gia của các doanh nghiệp vào công cuộc phát triển đất nước, nhất là tại các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, ông Nguyễn Văn Thân đánh giá các doanh nghiệp Việt nam hoàn toàn có đủ năng lực triển khai các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia khi có sự đồng hành của Chính phủ về mặt cơ chế, chính sách.
Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu nói trên, thay mặt Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân đã có kiến nghị, đề xuất về 6 nhóm vấn đề.
Thứ nhất , theo ông Thân, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.
“Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Một thách thức đặt ra là “nguồn vốn” để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý”, ông Thân nhận định.
Từ những nận định trên, ông Thân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về “Thu hút nguồn vốn trong nhân dân” để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Thân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia…). Một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Thứ hai , theo ông Thân, kinh tế số là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có một thị trường tài chính, thị trường vốn rất lớn đang được thế giới nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ nhưng Việt Nam lại đi sau, đó là thị trường tiền số.
“Mặc dù Việt Nam hiện nay chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng rất nhiều nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn người dân bình thường) vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ”, ông Thân đánh giá.
Thứ ba , ông Thân cho rằng nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Thứ tư , theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu NSNN và 60% lao động, tuy nhiên đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp – chiếm 4% nhưng con số này không hề nhỏ – họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất – kinh doanh khá chuyên nghiệp). Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
Thứ năm , cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ.
Do vậy, Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để “chính thức hóa” chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được “phải” chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất… để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Thứ sáu , Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam.
Tổng hợp