Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

DNVN – Sáng ngày 21/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu”.
Hội nghị thu hút đông đảo sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Tham dự hội nghị, về phía cơ quan chủ trì – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Văn Từ – Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh văn phòng; bà Nguyễn Thị Bích Hường – Chủ tịch Chi hội xăng dầu, Quyền Trưởng Ban Thông tin và Truyền thông.
Về phía các đơn vị phối hợp có ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, có ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương); ông Hoàng Anh Tuấn – Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).
Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và một số địa bàn lân cận.
Thời gian qua là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME khẳng định: Thời gian vừa qua là một giai đoạn có thể nói là khó khăn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ trước tới nay, việc kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều tháng.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME.
“Đứng trước tình hình đó, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã kiến nghị đến VINASME, đề nghị Hiệp hội hỗ trợ, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp phù hợp. Hội nghị do VINASME chủ trì tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến, các kiến nghị của doanh nghiệp để từ đó có các hành động kịp thời theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông Tô Hoài Nam chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã đưa ra nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến chiết khấu hoa hồng, cách tính mức giá cơ sở, quy định lấy xăng dầu một nguồn, thủ tục hành chính rườm rà… gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến quy định mỗi đại lý xăng dầu chỉ được mua từ 1 nhà phân phối, bà Lê Thị Nhã – đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết: Quy định này dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh.
Bà Lê Thị Nhã - đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội).
Bà Lê Thị Nhã – đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội).
“Là một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chúng tôi nhận thấy việc Nhà nước đưa xăng dầu vào loại hình kinh doanh có điều kiện là không cần thiết. Vì điều này sẽ dẫn tới rất nhiều các thủ tục hành chính ràng buộc trói chân trói tay doanh nghiệp”, bà Lê Thị Nhã nói.
Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và 95/NĐ-CP/2021 hiện nay đang quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp. Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đến Sở Công thương để đổi giấy phép. Trong khi đó, mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm rất nhiều thủ tục, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới.
“Việc độc quyền đầu vào cũng làm cho bên đầu mối luôn chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng. Do đó, tôi kiến nghị bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một đầu mối”, bà Nhã đề xuất.
Các cơ quan báo chí, truyền hình phỏng vấn chuyên gia tham dự hội nghị.
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ.
“Trong khi doanh nghiệp càng bàn càng lỗ nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa,” ông Hạnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Chiến Thắng (tỉnh Yên Bái) chia sẻ: Cách đây 6 năm, mức chiết khẩu ở mức 600 đồng/lít mới đủ để hoạt động, nhưng hiện nay chiết khấu đã giảm về 0 đồng/lít, hoặc có thể ở mức 20-70 đồng/lít, trong khi để đưa hàng từ kho Đức Giang (Hà Nội) lên cửa hàng tại Yên Bái chi phí vận chuyển thấp nhất là 700 đồng/lít dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp.
“Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho công ty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp. Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3/ngày là cả xăng và dầu, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó”, bà Sinh cho hay.
Tại hội nghị, ông Trần Bảo Sơn – Công ty xăng dầu Trung Sơn cho rằng hiện có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dùng phải gánh chịu. Do đó, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giữa các kỳ tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ thay vì 10 ngày/1 lần như hiện nay.
Ông Sơn cũng kiến nghị các Bộ, ngành cần sớm sửa đổi các quy định không còn phù hợp tại 2 Nghị định đang áp dụng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu là Nghị định 83 và Nghị định 95. Việc ban hành các quy định cần bám sát thực tiễn để tránh làm khó cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần được “đối xử” bình đẳng
Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cũng là đại diện 1 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết: Thời gian vừa qua, việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các DN bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Đại diện 1 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường -Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam)
“Do đó, tôi đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối… phải chia sẻ định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Ở góc độ các cơ quan quản lý, khi Liên Bộ Tài chính – Công Thương đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng DN phải gánh lỗ. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy”, bà Hường kiến nghị.
Nhà nước xác định rõ và quy định: xăng chủ yếu phục vụ tiêu dùng, không phải mặt hàng thiết yếu, người dân cần tiết kiệm khi giá tăng cao, hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường…Vì vậy, mặt hàng xăng cần thả nổi theo cơ chế thị trường.
Cũng theo bà Hường, Điều 3, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn tới thủ tục hành chính gây khó cho DN, tăng chi phí dẫn đến người tiêu dùng phải gánh chịu.
Cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ, vì xăng dầu là nhu cầu thường xuyên, không phân biệt ngày nghỉ (ngày nghỉ nền kinh tế vẫn vận động), các kỳ nghỉ đang có xu hướng kéo dài để kích cầu, chờ đợi qua ngày nghỉ không phải là thị trường, là tư duy bao cấp.
“Không có đơn vị nào tồn tại được với chiết khấu 0 đồng”
Tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh: Diễn biến thị trường xăng dầu năm 2022 vượt và mang tính dị biệt hoàn toàn so với các năm khác. Theo đó, đây là năm đầu tiên chúng ta có khái niệm chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0.
Từ trước đến nay, không có một cơ chế nào dẫn tới việc áp dụng chiết khấu bằng 0. Không có đơn vị nào tồn tại được với chiết khấu 0 đồng, mấy tháng trời DN chịu cảnh lỗ, bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động.
Không có bất cứ doanh nghiệp nào chịu đựng được với việc biến thiên, tăng giảm giá như vài ngày gần đây. Ở các năm trước, để đạt được mức tăng – giảm giá 10% ít ra phải kéo dài chu trình khoảng 15 ngày – 1 tháng.
Nhưng hiện nay, giả sử trong ngày 14/9 vừa qua, giá dầu diesel lao thẳng 11 USD/thùng, ngày tiếp theo lại 10 USD. Một rủi ro như vậy không có DN nào trụ được. Chỉ trong vòng 2 ngày mà giá dầu diesel giảm tới 22 USD một thùng.
“Nếu chúng ta đề xuất tần xuất điều chỉnh giá xăng dầu cho ngắn lại thì với mức giá 22 USD trong 2 ngày, có nghĩa là chúng ta phải điều chỉnh tương ứng giảm 3.400 đồng dầu diesel trong 3 ngày. DN có chịu được không? Câu trả lời là không DN nào chịu được. Rõ ràng năm nay là năm rất đặc biệt, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh xăng dầu và bản thân Nhà nước cũng lúng túng”, ông Bảo chia sẻ.
Tình hình vừa rồi đúng là tác động hết sức tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nếu căn cứ vào số liệu từ tháng 7 trở lại đây, hoạt động rất khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu. Những kiến nghị hôm nay của các DN cũng là những kiến nghị của hệ thống kinh doanh xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc.
Hiệp hội sẽ tập hợp tất cả các ý kiến của DN, phối hợp với DNNVV đưa kiến nghị của 2 HH lên các cơ quan quản lý Nhà nước để từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, để hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này khởi sắc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường.
Cơ quan quản lý thị trường chia sẻ khó khăn, vướng mắc với doanh nghiệp
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), Tổng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Lực lượng QLTT rất hiểu và chia sẻ trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thời gian qua. Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu. Nhiều quốc gia hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trước tình hình đó, là đơn vị giúp việc của Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã có nhiều hoạt động để đảm bảo an sinh xã hội, chuỗi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, đồng thời đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng.
Ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại hội nghị cho thấy, các doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề không đủ nguồn cung, trong khi lực lượng QLTT yêu cầu mở cửa để bán hàng.
“Thời gian qua, theo ghi nhận và thống kê của lực lượng QLTT, một số cửa hàng có hết xăng thật, trong bồn chứa không có xăng, cửa hàng không thể bán hàng. Chúng tôi đã báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Sau đó, Bộ trưởng đã quyết định lập 3 đoàn công tác đặc biệt nhằm đôn đốc việc kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, cũng như tiếp nhận phản ánh từ người dân về việc có hay chuyện đầu cơ, găm hàng, không phục vụ người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đức Lê thông tin.
Cũng như ý kiến của DN, lực lượng QLTT mong muốn đồng hành cùng DN và các cơ quan quản lý Nhà nước; luôn cập nhật thông tin về tình trạng các cửa hàng bán lẻ đóng cửa qua hệ thống camrea, sau đó báo cáo, công khai với cơ quan đại chúng để cùng đồng hành cùng DN, tránh gây ra hình ảnh méo mó cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về chiết khấu hoa hồng. Vừa rồi có ý kiến doanh nghiệp nói rằng việc đưa xăng dầu vào loại hình kinh doanh có điều kiện là bất hợp lý, tại sao không thả nổi giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao và gây mất an toàn, và cũng có thể gặp sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe của người dân”, ông Nguyễn Đức Lê giải thích.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng thường xuyên có những chỉ đạo sát sao đối với Tổng cục QLTT, từ đó Tổng cục QLTT cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo đối với lực lượng QLTT 63 tỉnh, thành trên cả nước làm sao vừa giúp cho các DN bán lẻ hoạt động thường xuyên, ổn định, đảo bảo quyền lợi chính đáng của DN cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an sinh xã hội.
“Lực lượng QLTT sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả những ý kiến đóng góp của các DN và Hiệp hội để báo cáo lãnh đạo bộ, từ đó đưa ra các giải pháp làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể hỗ trợ các DN bán lẻ xăng yên tâm kinh doanh để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội cũng như phát triển trở lại của các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19”, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng Cục QLTT) nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thương nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua do chịu tác động bởi đại dịch, biến động của tình hình thế giới.
Từ trước đến nay, chúng ta đều xác định xăng dầu là 1 trong những mặt hàng chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng, sản xuất, tiêu dùng của người dân. Xăng dầu là mặt hàng tối quan trọng mà các cấp, Đảng, Chính phủ, và đặc biệt là Bộ Công Thương phải tham mưu cho Chính phủ để đảm bảo mục tiêu then chốt đầu tiên là đáp ứng nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp tiêu dùng và người tiêu dùng.Thời gian vừa qua, các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

“Chúng tôi cảm ơn các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt hệ thống hoạt động kinh doanh xăng dầu đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước trong việc đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp”, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
17.000 đơn vị kinh doanh xăng dầu đã nỗ lực, thậm chí đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để đảo bảo cung ứng xăng dầu cho người dân. Những tác động từ bên ngoài liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến chuỗi cung ứng xăng dầu gặp khó khăn và Bộ Công Thương rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
Các ý kiến của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại hội nghị cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là doanh nghiệp nói nhiều đến việc chia sẻ chiết khấu 0 đồng. Hi vọng từ những khó khăn các cửa hàng, tất cả các bên, đặc biệt là các DN đầu nguồn sẽ cùng phối hợp, đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm hiện nay.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh những vấn đề liên quan đến quản lý như Nghị định 83, Nghị định 95, vấn đề điều hành giá, chiết khấu, điều kiện mở cửa hàng xăng dầu. Là đơn vị tham mưu chính sách, trách nhiệm của Vụ Thị trường trong nước là phải đi đến tận nơi thực tế của chính sách để nhìn vấn đề. Bản chất cuối cùng của chính sách và vấn đề thực tiễn. Nếu thực tiễn gặp khó khăn thì cơ quan quản lý phải tiếp thu để điều chỉnh cho đúng với thực tiễn mới phát sinh. Càng hội nhập sâu thì thực tiễn càng thay đổi nhanh so với chính sách.
Do đó, vụ sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để hướng đến việc điều chỉnh theo cách tiếp cận các đối tượng gần hơn, chính xác hơn.
Bà Nguyễn Thị Sinh – Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) trao đổi với báo chí.
Nên cân nhắc bỏ quy định 10 ngày điều chỉnh giá một lần
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tô Hoài Nam cho biết: Hội nghị hôm nay đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Trên cơ sở các ý kiến thẳng thắn, cụ thể của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký cho rằng, nếu kinh doanh lỗ, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, bởi hoạt động của 17.000 đơn vị kinh doanh xăng dầu hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, an sinh xã hội.
Đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xây dựng văn bản để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình xăng dầu có những diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương – Tài chính nên cân nhắc bỏ quy định 10 ngày điều chỉnh giá một lần, vì quy định này không đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay. Liên Bộ cần cân nhắc điều chỉnh sát với giá thị trường.
“Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, với một loạt kiến nghị từ doanh nghiệp và như 1 doanh nghiệp phản ánh làm một cây xăng mà phải qua một “rừng” thông tin như vậy thì thiết nghĩ cơ quan quản lý Nhà nước cần giảm bớt để DN tránh bị động trong kinh doanh”, ông Nam nói.

Tại sự kiện, bà Đào Thị Thanh Vân – Phó phòng Quản lý thương mại và Tài trợ thương mại, phụ trách tài trợ chuỗi xăng, dầu ngân hàng HDBank cũng đã công bố nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để vượt qua khó khăn như cấp tín dụng không tài sản đảm bảo đến 10 tỷ đồng, hạn mức tín dụng đến 120% giá trị tài sản đảm bảo cùng lãi suất cho vay, phí tín dụng ưu đãi…

Theo doanhnghiepvn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *