TS. Cao Sĩ Kiêm: Nghị quyết 02 cần thực hiện theo tinh thần thị trường

Đã 3 tháng kể từ ngày Nghị quyết 02/ NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ ra đời nhưng đến nay, dường như bị ảnh hưởng độ trễ của tháng Tết âm lịch, DN vẫn án binh bất động, các giải pháp vẫn chưa đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có buổi trao đổi với TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: So với Nghị quyết 13, Nghị quyết 02 có những điểm nào mới và sát thực tiễn hơn, thưa ông?

TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam
TS. Cao Sĩ Kiêm: Tôi cho rằng, có 3 nội dung để Nghị quyết 02 thực sự trợ giúp hiệu quả cho dọanh nghiệp, đó là:

Thứ nhất, về điều hành đã sát hơn, Thứ 2, giải pháp đã đưa ra những định lượng, ví dụ như giảm thuế có số liệu cụ thể, nợ xấu, đối tượng cho vay ưu tiên đã có số lượng, Thứ 3 là đã có những địa chỉ giải quyết về cho vay tiếp, giảm thuế…Giải quyết tồn kho, BĐS đã có những lĩnh vực nào ứng với giải pháp nào. Như vậy về định hướng, định lượng đã có, hy vọng là khi đã có những hướng dẫn cụ thể thì sẽ có chuyển biến tích cực trong thực tế.

PV:Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, ông có thể cho biết tình hình Nghị quyết 02 đã được thực hiện đến đâu?

TS. Cao Sĩ Kiêm: 2 tháng vừa qua rơi vào tháng Tết nên tất cả các giải pháp mới đang được triển khai. Định hướng thì đã có rồi, còn về thực hiện thì các bộ, ngành cần phải cụ thể hóa thì các giải pháp mới đi vào cuộc sống được. Hiện nay, kết quả còn chưa rõ biểu hiện, hầu hết đều do “dư âm” từ năm 2012 đề lại. Ví dụ như 2 tháng này lạm phát “bật” lên là do tháng Tết chứ cũng chưa hẳn do chúng ta điều hành hay có gì đột xuất.

Còn về tín dụng 2 tháng đầu năm âm là do tình hình nợ xấu, hàng tồn kho vẫn còn tồn đọng. DN chưa giải quyết được thì làm sao dám vay vốn mới để sản xuất, kinh doanh. Cũng bởi tín dụng âm nên việc giải quyết 3 “nút thắt” trọng điểm về tồn kho, nợ xấu, BĐS vẫn “bất động”.

Theo tôi, có lẽ phải đến đầu quý II khi bắt tay vào hành động thì mới mong chuyển biến được tình hình.

PV:Trong cuộc họp vừa qua với Hiệp hội DNNVV tại Bắc Ninh, doanh nghiệp có kiến nghi gì, thưa ông?

TS. Cao Sĩ Kiêm:Tập trung lại, doanh nghiệp có những kiến nghị như sau:

Một là, doanh nghiệp cần Chính phủ, các bộ, ngành cụ thể hóa nhanh các giải pháp phù hợp với những quy định của Nghị quyết 02 để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai là, phải tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp vào 3 lĩnh vực trên, như: tồn kho, nợ xấu, bất động sản. Ví dụ, giải phóng tồn kho thì đã rõ, nhưng bằng cách nào: giảm chi phí băng cách nào; tăng sức mua ở lĩnh vực nào; mở rộng thị trường, nhưng là thị trường nông thôn hay thị trường xuất khẩu; những mặt hàng nào cần phải tháo gỡ và vào những địa chỉ nào… Tất cả những cái đó cần phải được cụ thể hóa ra.

Ba là, doanh nghiệp mong muốn kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch, có hướng dẫn, đôn đốc và triển khai thực tiễn.

Ba điều trên làm đúng, làm đủ, làm tốt và triển khai nhanh mà phù hợp thì sẽ có chuyển biến tích cực.

PV:Tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn âm, DN vẫn tiếp tục không tiếp cận được vốn vay và gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Vậy phải khắc phục vấn đề này ra sao, thưa ông?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Tín dụng vẫn âm do những vấn đề sau: Thứ nhất, tồn kho không được giải quyết. Thứ hai, sức mua thị trường có mở ra được không, có thúc đẩy được không. Thứ ba, không giải quyết được vấn đề thủ tục thì làm sao vay được, bởi doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn vay do mắc nợ xấu, nợ quá hạn.

Lĩnh vực bất động sản cũng bức bách lắm rồi, nhưng phải giải quyết về giá, giá không giảm xuống sát thị trường thì không ai mua cả, những đối tượng có nhu cầu mua hiện nay lại không có tiền hoặc ít tiền, trong khi nếu đến ngân hàng vay với lãi suất 13-14% thì cũng không ai dám vay và cần phải kéo dài thời hạn cho vay lên đến 15-20 năm thì họ mới có khả năng thanh toán.

Tất cả những vấn đề trên cần phải giải quyết đồng bộ, cần phải đặt lên bàn và giải quyết một cách toàn diện thì mới mong có lối thoát.

PV: Liệu chúng ta có cần một gói kích cầu không?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Theo tôi là không nên có bởi kinh nghiệm trước đây cho thấy, khi tung ra gói kích cầu như vậy sẽ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, khả năng thu hồi khó.

Vì vậy trong tình hình mới và rút kinh nghiệm trong quá khứ, chúng ta cần phải giải quyết theo tinh thần thị trường, phải có chiểu sâu, có hiệu quả chứ không theo tinh thần “giang tay” ra hỗ trợ để rồi gây ra những phản ứng ngược lại thì không nên. Ví dụ như bất động sản cần lành mạnh hóa thị trường, để thị trường trở về đúng dạng thì mới không gây ra hậu quả xấu, mất mát.

Bởi vậy, Nghị quyết 02 cần phải triển khai một cách kiên trì, không được nóng vội, tuy chậm một bước có thể tổn thất, hy sinh thậm chí là mất mát nhưng cũng phải chấp nhận.

Theo KT&DB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *